đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Chuyện bà mẹ già "đi lạc"

Đăng ngày 26/10/2014

Con cái đôi khi không nhận ra, cha mẹ mình mỗi ngày mỗi già theo năm tháng. Họ cần được quan tâm, cảm thông nhiều hơn.   Mới đây, một Facebooker đã viết trên tường nhà ...
(TGGĐ) - Con cái đôi khi không nhận ra, cha mẹ mình mỗi ngày mỗi già theo năm tháng. Họ cần được quan tâm, cảm thông nhiều hơn.
 
Mới đây, một Facebooker đã viết trên tường nhà mình một dòng trạng thái khiến bạn bè xúc động: “Cả năm mới về thăm nhà một lần vì xa quá, như vậy mình chỉ còn được gặp mặt mẹ hơn chục lần nữa thôi, vì mẹ nay đã 70 tuổi rồi. Thời gian còn được ở bên mẹ đếm trên đầu ngón tay…”.
 
những đứa con lạc mẹ
76 tuổi, bà Năm, nhà ở tỉnh Đồng Nai cứ phải lọm khọm lên Sài Gòn phụ con chăm cháu. Vợ chồng đứa con gái bà đi làm suốt, chẳng khi nào nghỉ ngơi nên chỉ Tết nhất, họ mới về quê dù quê cách Sài Gòn chỉ vài chục cây số. Thường mỗi lần lên tới thành phố, bà chỉ việc nhấn phím đã được cài đặt sẵn trên chiếc Nokia cũ mèm để gọi thằng con rể ra đón. Lần sau cùng, vội vàng thế nào, bà đi mà quên mất chiếc điện thoại. 
Đi làm về, đứa con gái không thấy mẹ đâu, quay sang hỏi chồng. Chồng thủng thẳng, có thấy mẹ gọi gì đâu. Cô con gái vội vàng gọi lại cho anh chị ở quê. Họ bảo mẹ đã đi từ sớm. Gọi vào di động của mẹ thì thấy giọng đứa cháu trả lời “Cô ơi, nội để quên điện thoại ở nhà”. 
Cô con gái hoảng hốt, gọi chồng chở ra bến xe miền Đông. Truy tìm, dò hỏi, người ta nói đúng là chuyến xe đó, có bà cụ đó nhưng bà cụ xuống xe đi đâu thì không rõ. Hai người lao vào hỏi từng tài xế xe ôm, người bán hàng, mỗi người chỉ mỗi hướng. 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, 10 ngày… mà chẳng có tí thông tin, tung tích của bà cụ dù cả nhà đã huy động lực lượng anh, chị, em, bạn bè, bà con thân quen chia ra các tỉnh đi tìm, đăng tin trên báo đài. 
 

 
20 ngày sau, cuối cùng cả nhà mới có được ít thông tin “le lói” là có người nhìn thấy bà cụ đi về hướng Tây Ninh. Lên đây, cả nhà tìm khắp nơi nhưng cũng chẳng thấy bà đâu. Cuối cùng, lần mò chắp nối những dữ liệu do người dân cung cấp, người thân mới tìm được bà đang nằm co rúm bên ngoài một quán nước tại một huyện của tỉnh Tây Ninh. Quần áo tả tơi, tóc tai rối bời, gặp con, bà lại tỏ ra sợ hãi, hỏi gì cũng không nói… Về nhà hơn 2 tuần, bà mất. Chị con út ở Sài Gòn khóc ròng: Phải chi con đừng tiếc tiền mướn ô-sin, biểu má lên trông coi thằng Bin. Phải chi tụi con viết thông tin để trong giỏ của má… 
Chuyện có thật mà nhiều người nghe cứ tưởng... trên phim. Những trường hợp người già tự đi đây đó một mình rồi lạc như trường hợp trên không hiếm. Nhiều trường hợp các cụ đi một mình, còn mang theo tài sản, làm mồi cho kẻ gian. Chưa kể, nhiều cụ còn mắc một số bệnh, có thể nguy hiểm đến tính mạng khi “chu du” một mình, gặp sự cố và không có người thân giúp đỡ.
 
quên mẹ quên cả bữa ăn
Khi đã bước vào độ tuổi xế chiều, tâm lý người lớn tuổi hay ngại làm phiền con cái. Trong khi đó, con cái đôi khi cũng vô tâm, thiếu kiến thức về tâm sinh lý, cách chăm sóc người lớn tuổi nên mới dẫn đến những câu chuyện đau lòng.
 
Hàng xóm của bà Lưu (73 tuổi) ở đường Ngô Tất Tố, Q. Bình Thạnh, TP. HCM vẫn khẽ lắc đầu khi thấy bà còm nhom như que củi. Vợ chồng người con đi làm, suốt ngày vắng mặt. Ở nhà, người giúp việc cho gì, bà ăn đó. Nhiều khi bà ăn không được vì thức ăn quá khô trong khi răng đã rụng gần hết. Có người ái ngại. Những lúc gặp mặt con trai, con dâu bà, họ liền nói khéo để con bà “để mắt” đến mẹ của mình hơn thì họ nhận được câu trả lời: “Ối, mẹ tôi có muốn ăn gì đâu, chứ nhà tôi đầy đồ ăn ra đấy”.
 
Hàng xóm tội nghiệp, thỉnh thoảng kéo bà vào nhà mình, kín đáo mời bà tô bún, tô xúp, chưng cho bà bát yến, xay cho bà ly sinh tố. 
 
Bà lớn tuổi, mắt kém, đi lại khó khăn, chị giúp việc nhà lại vô ý, lau sàn nhà ướt nhẹp mà không cảnh báo làm bà Lưu mới từ trên lầu bước xuống đã bị trượt chân té ngã, phải nhập viện. Bác sĩ hỏi tại sao để bà suy dinh dưỡng như vậy. Đã lớn tuổi mà còn bị suy dinh dưỡng nặng thì lấy đâu ra sức đề kháng, chống chọi bệnh tật. Mấy người con mới phân trần, vì bà già có chịu ăn gì đâu. Bà bác sĩ thủng thẳng: “Chăm người già phải biết ý, phải chịu khó một chút. Chứ kêu họ ăn món họ không thích, bắt họ ngồi ăn thui thủi một mình thì làm sao họ ăn vô?”. Những đứa con cúi đầu...
 
bố mẹ làm gì như con nít thế?
Không chỉ gặp vấn đề lơ là với cha mẹ già, một số gia đình lại rơi vào cảnh mâu thuẫn triền miên với cha mẹ tuổi “trái tính, trái nết”. Chị Vân Anh (43 tuổi, nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai) rất bực mình khi ba chị lúc nào cũng “con phải thế này, con phải thế khác” khi đầu óc chị đang rối rắm với đủ thứ việc. Chị thường bực mình: “Con ba mươi mấy tuổi rồi, đủ thứ việc, con biết phải làm gì, bố đừng nói nhiều như thế, con rất nhức đầu!”. 
 
Ông cụ xụ mặt, buồn bã mấy ngày, chẳng nói năng gì. Cô con gái hỏi gì, ông cũng chẳng trả lời. Bực mình, chị quát lên: “Bố làm gì như con nít thế, bố cứ thế con cháu căng thẳng, áp lực lắm biết không?”. Ông cụ không nói không rằng, cứ tuôn nước mắt. Chị thấy vậy, cũng khóc theo. Ông sụt sịt: “Bố có còn ở với chúng mày bao lâu nữa đâu, nên bố nhắc con để con tránh va vấp”.
 
Một số người khác thì lại thường phàn nàn về chuyện bố mẹ lớn tuổi thích giữ lại đồ cũ, làm bẩn, chật chội nhà cửa, hoặc chuyện ba mẹ, dù chân cẳng yếu ớt nhưng nhất quyết ngủ trên lầu chứ không chịu “di cư” xuống tầng trệt nên thường hay bị té ngã... Sự phiền toái, rắc rối của bố mẹ già đôi khi thành đề tài buôn chuyện, phàn nàn bất tận của những đứa con.
 
Không ngạc nhiên khi trường Đại học De Montfort (Anh) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm với khoảng 700 người trên 65 tuổi trên khắp nước Anh và cho kết quả: 61% người được nghiên cứu nghĩ rằng xã hội đang coi họ là người thừa và 57% cho rằng truyền thông khiến họ có cảm giác mình là một “gánh nặng” lớn đối với xã hội. Nhiều dịch vụ mở ra có tính chất là làm “cho” người già chứ không phải là làm “cùng” họ và hỏi những gì họ muốn, họ thích. Cùng với sự vô tâm tập thể đó, tuổi già bỗng trở thành gánh nặng kinh thiên với muôn người. 

 
Người già vừa cần chỗ dựa vừa cần sự độc lập
 
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Đại học De Montfort, sự thực là, người già rất muốn đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của mình để cuộc sống, xã hội tốt lên. Trong đó có việc muốn truyền đạt kinh nghiệm, chỉ vẽ thêm cho con cháu. Trong khi đó, người trẻ thích sự độc lập, riêng tư. Điều đó khiến xung đột gia đình dễ “leo thang”. Mặc dù vậy, chính người già với đặc điểm tâm sinh lý của mình, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng cần có con cháu làm một chỗ dựa ý nhị, chân thành và hiểu biết.

Nghiêm Chinh
 





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật