đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Chùm ảnh rúng động về 3 em bé bị chính cha đẻ bạo hành

Đăng ngày 28/08/2014

Chùm ảnh có tiêu đề “Nếu nỗi đau biết nói”, 18 bức ảnh là một câu chuyện dài đẫm nước mắt. Tờ QQ của Trung Quốc mới đây đã thực hiện chùm ảnh nhức nhối về cuộc ...

Chùm ảnh có tiêu đề “Nếu nỗi đau biết nói”, 18 bức ảnh là một câu chuyện dài đẫm nước mắt.

Tờ QQ của Trung Quốc mới đây đã thực hiện chùm ảnh nhức nhối về cuộc sống đáng thương của ba cháu bé ở Quảng Đông là nạn nhân bạo hành của chính người cha đẻ của mình. Mời độc giả chứng kiến câu chuyện này qua ảnh:

Ngày 1/1/2014 cháu bé tên Tiểu Bảo 3 tuổi được vội vàng đưa vào viện do vết bỏng nặng trên đầu do người bố cố ý gây ra. Từ lúc mẹ bỏ nhà ra đi Tiểu Bảo cùng anh trai và chị gái bị người bố bạo hành trong suốt thời gian dài, trên người đầy vết thương, 3 anh em họ đã phải chịu một tuổi thơ tàn bạo vô biên.

Bố Tiểu Bảo mới 14 tuổi đã rời xa nhà ở Quý Châu đi làm ăn ở vùng Quảng Đông, cuộc sống gian khổ mãi không thoát khỏi sự đói nghèo khiến anh ta chán nản, lâm vào nghiện rượu và hút chích. Ngoài Tiểu Bảo ra, còn có chị gái Tiểu Dung (8 tuổi) và anh trai Tiểu Thành (5 tuổi). Chính Tiểu Thành kể lại Tiểu Bảo bị bố đánh nhiều nhất, mỗi lần bố đánh Tiểu Bảo em đều rất sợ nhưng không dám khóc.

 Trong ảnh trên là Tiểu Bảo với vết thương ở đầu do bị bố đổ nước nóng lên. Khi Tiểu Bảo được đưa vào viện mọi người mới biết được tuổi thơ đầy vết thương của em là do người bố bạo hành. Không chỉ bị đánh đòn, em còn bị bố làm bỏng bằng lửa, bị ép ăn phân.

Trên khuôn mặt của Tiểu Dung vẫn còn lưu lại vết thương bị người bố tát mạnh, nhưng khi được hỏi là bị ai đánh, em lại cố ý lảng tránh.

Tháng 7 năm ngoái, mẹ của 3 em đã bỏ nhà ra đi, đến nay vẫn bặt vô âm tín. Có lúc họ giận mẹ bỏ rơi, các em nói mẹ đã chết rồi. Hồi mới bắt đầu bị cha đánh, Tiểu Dung từng gọi cho điện cho bà ngoại nhờ cứu giúp nhưng bà ngoại từ chối, cuối cùng làm em tuyệt vọng.

Tiểu Dung nấu cơm chăm lo cho hai em trai trong căn nhà thuê. Do người bố không màng nhà cửa, là chị lớn nhất nên từ nhỏ Tiểu Dung đã học cách tự lập, các việc nhà đều do một tay em thu xếp.

Tiểu Dung cầm món đồ chơi do những người thiện nguyện mang tặng chơi ở trong sân nhà, chỉ khi bố không có nhà bé mới dám “hỗn xược” chơi đùa, một khi bố về 3 chị em lại trở nên trầm mặc. Trước mặt người khác ông bố luôn một mực phủ nhận việc đánh con, ông ta nói “trẻ không vâng lời và bị đánh nhẹ là có, những vết thương trên người con trẻ đều do bọn trẻ chơi đùa không chú ý gây nên”.

Khi bố vắng nhà Tiểu Thành mới dám thú nhận vết thương trên người em trai 3 tuổi là do bố đánh. Điều càng làm mọi người đau đớn hơn là, được lớn lên trong môi trường gia đình tràn đầy bạo lực như thế này, Tiểu Thành và Tiểu Bảo tuổi còn nhỏ đã học được cách dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Trong căn nhà dột nát của 3 bé vẫn còn treo một bức ảnh ông bố lúc còn trẻ, chàng trai từng là một người trung thực, chăm chỉ mấy năm sau đã trở thành một kẻ nghiện rượu, nghiện hút chích làm cho gia đình tan vỡ, cuối cùng anh ta cũng bị bắt vì tội dùng ma túy và phải vào trung tâm cai nghiện và lao động 2 năm.

Sau khi bố bị bắt, các bé được chị gái của bố nhận chăm sóc, tạm thời rời xa những ngày tháng làm bạn với lo sợ. Hiện tại người cô đang làm công ở Phật Sơn. Tiểu Thành và Tiểu Bảo sống cùng với cô, còn Tiểu Dung được đưa về nhà cô ở Quý Châu cùng sinh sống với các anh chị họ và dượng. Nhà cô có 4 đứa con, đến nay 5 đứa trẻ cùng chung sống trong một phòng nhưng rất hòa hợp với nhau. Mỗi tối Tiểu Dung thích ngồi bên bàn chị xem chị vẽ tranh.

Do ti vi nhà cô bị hỏng, Tiểu Dung đến nhà hàng xóm xem nhờ ti vi, đây là hoạt động giải trí chính của bé, một ngày trên ti vi phát bộ phim “Bố đi đâu rồi”, Tiểu Dung xem rất mê say phim.

Ở nhà cô và dượng, Tiểu Dung và mấy đứa trẻ cùng chơi với nhau rất vui vẻ, trên mặt để lộ ra nụ cười đã mất từ lâu.

 

Khi người lớn ở nhà, Tiểu Dung thường trầm mặc. Những năm tháng trải qua các cuộc bạo hành đã làm cho trái tim bé càng nhạy cảm, thỉnh thoảng bé lại rơi vào tâm trạng chán nản, trầm uất.

Nhà của cô dượng ở Quý Châu vốn không giàu có, hiện tại thêm 3 miệng ăn, kinh tế càng khó khăn, vất vả, đây là lý do người cô của các bé phải đến Phật Sơn làm công.

Bà cô ban ngày đi làm, Tiểu Thành và Tiểu Bảo chơi một mình ở nhà. Khi không có người lớn quản lý, không đảm bảo an toàn cho hai đứa trẻ, điều này làm bà cô lo lắng.

Vì nuôi thêm 3 đứa trẻ, bà cô và chồng thường hay cãi vã, cuộc sống vô cùng mệt mỏi và áp lực. Cô kể, có hôm cô không chịu đựng được nữa, đã bật khóc to, lúc ấy hai bé Tiểu Thành và Tiểu Bảo đến bên cạnh, sờ vào tay cô và nói: “Cô rất tốt, sau này lớn lên chúng con sẽ mua nhiều đồ ngon cho cô”.

Các nhân viên bảo trợ xã hội từng kiến nghị đưa các bé vào trại dưỡng lão sống cùng những người già, nhưng 3 đứa trẻ đáng thương như thế này lại làm cho bà cô không nỡ lòng nào rời xa, nên cô đã từ chối. Thậm chí đôi lúc cô còn hi vọng em trai mình sẽ vĩnh viễn không được ra khỏi trại cai nghiện, sợ anh ta không kiềm chế được bản thân lại đánh đập, đối xử tàn tệ với 3 bé.

Một người phụ nữ thiện tâm ở một tổ chức xã hội thấy bà cô bận bịu với công việc xoay xở cuộc sống, Tiểu Bảo sốt cao không người chăm sóc bèn chủ động giúp đỡ chăm sóc Tiểu Bảo và đón bé đến ở nhà cô ấy. Được sống trong ngôi nhà có người tốt chăm sóc, Tiểu Bảo cảm thấy rất đầm ấm. Khi rời đi, em không đành rời xa đột nhiên khóc òa lên. Những tháng ngày bị bạo lực hành hạ làm cho bé càng mong muốn được sống trong tình thương hơn cả những trẻ bình thường.

Ở Quý Châu, chị họ chủ động sấy tóc khô cho Tiểu Dung. Từ lúc chuyển đến sinh sống ở nhà cô, các chị em họ chăm sóc rất cẩn thận cho bé. Sự ấm áp của gia đình là khát vọng lớn nhất của những đứa trẻ như Tiểu Dung, Tiểu Bảo, Tiểu Thành. Tháng 9 này, Tiểu Dung được đi học tiểu học, cuộc sống dần dần đi vào quỹ đạo.

Tiểu Dung đi bộ cùng chị họ bên hồ, đây là những lần đi dạo chơi ra ngoài hiếm hoi của bé sau khi về Quý Châu. Từ lúc đến ở nhà cô, bé không muốn đi ra khỏi nhà, nhắc đến bố mẹ toàn thấy chảy nước mắt. Tìm lại nụ cười cho những trái tim bị bạo hành là cả một hành trình dài dặc, đôi khi là bất khả, nó sẽ trở thành một nỗi đau cả đời của các bé

Theo Đời Sống & Pháp Luật






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật