đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

10 cây cầu nổi tiếng ở Việt Nam

Đăng ngày 04/10/2015

Cầu Nhật Tân Hà Nội, cầu Rồng Đà Nẵng hay cầu Phú Mỹ ở TP HCM... được đánh giá là những công trình kiến trúc độc đáo và trở thành biểu tượng cho sự phát triển của các thành phố.
Cầu Nhật Tân Hà Nội, cầu Rồng Đà Nẵng hay cầu Phú Mỹ ở TP HCM... được đánh giá là những công trình kiến trúc độc đáo và trở thành biểu tượng cho sự phát triển của các thành phố.
 
Nhật Tân
 
Cầu Nhật Tân được xây để trở thành biểu tượng mới của thủ đô với 5 nhịp tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Ảnh: Giang Chinh.

Nhật Tân là cầu dây văng dài nhất bắc qua sông Hồng (nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ) có tổng vốn đầu tư 13.626 tỷ đồng. Cầu được khởi công năm 2009 và hoàn thành sau 5 năm. Phần cầu chính dài 3,7 km với thiết kế dây văng liên tục 5 trụ tháp (tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội), phần đường dẫn dài 5,1 km và rộng 60 m với 4 làn xe.
 
Được khánh thành hồi đầu năm, Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục, nhiều nhịp trên thế giới áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Cầu không chỉ phục vụ các phương tiện giao thông mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực cửa ngõ phía bắc thủ đô Hà Nội.
 
Pá Uôn 
 
Cầu Pá Uôn được xác lập kỷ lục có trụ cao nhất Việt Nam.

Cầu Pá Uôn nằm trên quốc lộ 279 bắc qua hồ sông Đà (thuộc xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), cách TP Sơn La khoảng 70 km. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc khác như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai.
 
Năm 2012 cầu được khánh thành, tổng mức đầu tư 528 tỷ đồng. Cầu dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu chính dài gần một km; rộng 9 m. Cầu gồm hai mố và 11 trụ, trong đó trụ chính cao hơn 98 m. Nếu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là gần 104 m. Đây cũng là cây có trụ cao nhất Việt Nam.
 
Phú Mỹ
 
Cầu Phú Mỹ được xem là cầu biểu tượng của TP HCM. Ảnh: Hữu Công.
 
Được đầu tư 2.077 tỷ đồng, cầu Phú Mỹ nối quận 2 và 7 của TP HCM khởi công tháng 2/2005. Tại thời điểm khánh thành vào lễ Quốc khánh năm 2009, Phú Mỹ là cầu dây văng có quy mô lớn nhất nước với chiều dài hơn 2 km, tĩnh không thông thuyền cao 45 m và được xem là cây cầu biểu tượng của TP HCM. 
 
Theo chủ đầu tư đây cũng là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới ở phần kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế.
 
Cầu Rồng 
 
Thiết kế chiếu sáng mỹ thuật cho cầu Rồng đạt nhiều giải thưởng quốc tế. 

Hoàn thành đầu năm 2013 sau gần bốn năm thi công với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, cầu Rồng ở TP Đà Nẵng dài 666 m, rộng 37,5 m; mỗi chiều có 3 làn xe và vỉa hè dành cho người đi bộ.
 
Cầu mô phỏng hình dáng con rồng thời Lý bay ra biển Đông với nhịp thép có tổng chiều dài 568 m, nặng gần 9.000 tấn. Đây là cầu có kiến trúc độc đáo được Tập đoàn Louis Berger (Mỹ) thiết kế dạng vòm thép đơn duy nhất tại khu vực Đông Nam Á, tính đến nay.
 
Thiết kế chiếu sáng mỹ thuật cho Cầu Rồng (Đà Nẵng) đạt được hai giải thưởng quốc tế danh giá là FX Design Awards 2013 và Lighting Design Awards 2014 bầu chọn vào danh sách Các công trình thiết kế chiếu sáng xuất sắc thế giới. Ngoài ra, công trình chiếu sáng Cầu Rồng ở Đà Nẵng cũng nhận giải Biểu dương đặc biệt của Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD Awards), bên cạnh nhiều công trình nổi danh khác ở nhiều châu lục.
 
Cầu quay Sông Hàn
 
Cầu quay sông Hàn. Ảnh: Mạc Bảo Khánh.

Cầu quay sông Hàn là cầu quay duy nhất ở Việt Nam thiết kế, thi công trong các năm 1998-2000.
 
Dài gần 500 m và rộng 12 m, cầu nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Hàng ngày, cứ đến 1h sáng, phần giữa của cầu lại quay 90 độ để mở đường cho tàu thuyền lớn qua lại. Điều này đem lại sự tò mò cho người dân và du khách đến thành phố này.
 
Thuận Phước
 
Cầu treo dây võng Thuận Phước. Ảnh: Mạc Bảo Khánh.

Thuận Phước là cầu treo dây võng hiện đại dài nhất Việt Nam. Tổng chiều dài cây cầu nối 2 bờ vịnh Đà Nẵng là 1,8 km; rộng 18 m với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Cầu được khánh thành vào ngày 19/7/2009 sau 6 năm thi công.
 
Bãi Cháy
 
Cầu Bãi Cháy được ví là "Cây đàn Hạ Long". Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Với tổng kinh phí xây dựng hơn 2.100 tỷ đồng, cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18 dài hơn 900 m, rộng hơn 25 m nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục, ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). 
 
Cầu được khánh thành cuối năm 2006 sau hơn 3 năm thi công. Đây là cây cầu có kết cấu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời, cầu Bãi Cháy cũng lập kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính (435 m). 
 
Cần Thơ
 
Cầu Cần Thơ. Ảnh: Gia Bảo.

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550 m).
 
Cầu được khởi công vào tháng 9/2004 và hoàn thành sau 6 năm với tổng số vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Toàn bộ công trình dài 15 km, riêng cầu chính dài 2,7 km, rộng 23 m; tĩnh không thông thuyền cao 39 m, đảm bảo cho tàu trọng tải 10.000 DWT qua lại.
 
Mỹ Thuận
 
Cầu Mỹ Thuận nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long là cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam.

Là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam bắc qua sông Tiền, Mỹ Thuận nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, nằm trên trục giao thông chính của đồng bằng sông Cửu Long.
 
Cầu được khởi công tháng 7/1997 và khánh thành 3 năm sau đó. Cầu dài hơn 1,5 km, rộng gần 24 m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Độ cao thông thuyền là 37,5 m.
 
Thị Nại
 
Cầu Thị Nại - cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Ảnh: Panoramio.

Dài gần 7 km nối TP Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội), Thị Nại là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội.
 
Công trình được khởi công tháng 11/2002 và hoàn thành sau đó 4 năm với tổng số vốn 582 tỷ đồng. Phần chính của cầu dài 2,4 km; rộng 14,5 m gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 m.
 
Hữu Nguyên





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật