đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Vượt qua nỗi sợ hãi

Đăng ngày 26/10/2014

Ai trong chúng ta cũng có những nỗi sợ nhất định: sợ gián, chuột, sợ kim tiêm, độ cao, sét… Mỗi nỗi sợ thường gắn với ký ức tuổi thơ, có người dễ dàng vượt qua những ...
(TGGĐ) - Ai trong chúng ta cũng có những nỗi sợ nhất định: sợ gián, chuột, sợ kim tiêm, độ cao, sét… Mỗi nỗi sợ thường gắn với ký ức tuổi thơ, có người dễ dàng vượt qua những nỗi sợ đó khi trưởng thành nhưng có không ít người luôn phải chịu đựng hoặc đối mặt với nỗi sợ đó mỗi ngày. 
 
Khắc phục nỗi sợ hãi là một hành trình dài, nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đó không phải là điều không thể. Theo nhà tâm lý học Donna Pincus, Đại học Boston (Anh), chúng ta hoàn toàn có thể “nới lỏng” sự ám ảnh của nỗi sợ lên tâm trí bản thân bằng cách:
 
hiểu rõ về nỗi sợ
Phần lớn lý do khiến một người sợ hãi điều gì đó là do họ tiếp nhận những thông tin sai lầm về điều khiến họ sợ hãi. Ví dụ ta thường sợ ong, rắn… mà không biết rằng những loài này chỉ tấn công con người khi chúng bị đe dọa… Khi đã loại trừ được những nguyên nhân khiến bạn có thể bị thương và biết cách đề phòng nó, nỗi sợ của bạn cũng sẽ giảm đi. Vì vậy, khi đã biết mình thường lo lắng vì điều gì, bạn hãy đọc và tìm hiểu thật nhiều thông tin về nó. Việc này vừa giúp bạn củng cố lại kiến thức đời sống vừa giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc của nỗi sợ và có cách xử lý hiệu quả. Sẽ chẳng có gì quá ám ảnh bạn nữa khi bạn đã hiểu rõ sự thật về nó và biết cách tránh nguy hiểm.
 
Giảm nỗi sợ dần dần
Một khi đã hiểu rõ nỗi sợ hãi của mình, bạn hãy suy nghĩ về chính xác những gì bạn muốn thay đổi. Chắc chắn mục tiêu lớn nhất của bạn là muốn vượt qua nỗi sợ hãi đó. Tuy nhiên, “dục tốc bất đạt”, vì vậy, bạn hãy lập ra những thay đổi nhỏ để dần dần đạt được mục tiêu lớn. Ví dụ nếu sợ độ cao, bạn hãy tạo điều kiện để mình đối mặt với nó ít nhất 1 tuần/lần; nếu bạn sợ gián, bạn hãy tập bình tĩnh... tìm chai xịt côn trùng hoặc vỉ đập mỗi khi nhìn thấy chúng thay vì... la hét, chạy khắp nhà… 
 

 
đối đầu trực tiếp
Nỗi sợ thường chi phối chúng ta nếu chúng ta càng ít tiếp xúc với chúng. Vì vậy, đôi khi đối mặt cũng là cách tốt nhất để khắc phục. Khi chủ động đối mặt với nỗi sợ hãi, bạn sẽ không bị bất ngờ bởi nó và có thể tập làm chủ được bản thân. Từ đó, bạn sẽ thấy rằng những gì bạn sợ trước đây thật... vô lý. Tuy nhiên, không phải chỉ cần đối mặt với nỗi sợ và chinh phục nó được một lần là bạn sẽ vượt qua nỗi sợ thành công. Thực chất, việc đối mặt với nỗi sợ phải cần rất nhiều thời gian và bạn phải thực hiện nhiều lần trước khi thực sự “đánh bay” nỗi sợ hãi.
 
Làm cho nỗi sợ hãi trở thành... niềm đam mê
Nghe thật kỳ cục, nhưng có những người đã biến nỗi sợ hãi thành... niềm đam mê cá nhân. Bạn đã từng nghe về một Nick Vujicic không tay, không chân nhưng lại... biết bơi, hay có thể từng nghe chuyện một cậu học sinh đầu năm học cực dở Hóa học, bài thi 15 phút đầu tiên 0 điểm nhưng cuối năm đã quyết tâm đoạt giải Nhất môn Hóa cấp tỉnh. Vậy, nếu sợ độ cao, bạn có thể học leo núi giả; nếu sợ ma, bạn hãy thử xem phim kinh dị; nếu bạn sợ nước hãy học bơi... Nhiều người đã xem nỗi sợ hãi như một nguồn năng lượng, thậm chí biến nó thành niềm đam mê mãnh liệt của mình và dĩ nhiên khi họ tiếp cận nỗi sợ hãi như là một trò chơi cảm giác mạnh, họ sẽ làm mọi cách để chinh phục nó. Hành trình chinh phục nỗi sợ thực sự là cơ hội để làm phong phú, mạnh mẽ thêm cuộc sống của bạn.
 
Thỉnh thoảng nên chấp nhận nỗi sợ
Không có cách nào để loại bỏ hoàn toàn sự sợ hãi khỏi cuộc sống của bạn. Nó là cảm xúc tự nhiên, giống như niềm vui hay nỗi buồn. Sự sợ hãi dạy chúng ta làm thế nào để hành động với lòng can đảm. Không nên tự gò ép bản thân phải “triệt tiêu” hoàn toàn cảm giác sợ hãi, bởi theo quy luật tâm lý bình thường, điều đó gần như... không thể. Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên với các tình huống ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, được xem như một phản ứng tự vệ cho bản thân. Lưu ý là: Nếu bạn tránh được những thứ gây ra nỗi sợ một cách tự nhiên thì bạn không cần phải ép buộc mình vượt qua nó. Bạn chỉ nên tìm cách khắc phục những nỗi sợ nào ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày của bạn mà thôi. 
 
Ăn mừng chiến thắng của bạn
Đừng chờ đợi cho đến khi nỗi sợ hãi của bạn đã hoàn toàn vượt qua rồi mới ăn mừng cho sự nỗ lực của mình. Ví dụ bạn nên tự động viên, tự thưởng cho mình vào bất kỳ lần nào đó bạn không... hét toáng lên khi nhìn thấy nhện. Sự khích lệ tinh thần ngay khi vượt qua một nỗi sợ nhỏ sẽ giúp bạn sẵn sàng hơn nhiều lần khi đối diện với nỗi sợ lớn hơn vào lần tiếp theo đấy! 
 
An Nhiên





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật