đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Vào "tửu lầu" dự "đại hội võ lâm" ở quán kiếm hiệp độc đáo nhất Sài Gòn

Đăng ngày 22/05/2015

Khi vừa chạy xe đến "tửu lầu", một người trong quán ra chào: “Mời khách quan vào trong”. Khách vào trong, vừa ngồi xuống đã có thể đập bàn rồi hô to: “Tiểu nhị, cho 1 vò nữ nhi hồng hảo hạng”.
Khi vừa chạy xe đến "tửu lầu", một người trong quán ra chào: “Mời khách quan vào trong”. Khách vào trong, vừa ngồi xuống đã có thể đập bàn rồi hô to: “Tiểu nhị, cho 1 vò nữ nhi hồng hảo hạng”.
 
Gọi là quán “kiếm hiệp” bởi khi bước chân vào Hoa Sơn tửu lầu (Q.3, TP.HCM), thực khách sẽ có cảm giác như đang bước vào một nơi diễn ra đại hội võ lâm, với đầy đủ các anh hùng hào kiệt, vì đây là không gian gặp gỡ của những người hâm mộ truyện kiếm hiệp Kim Dung, Ngô Thừa Ân, Liễu Tàn Dương, Cổ Long, Trần Thanh Vân…
 
Tất cả nhân viên của quán đều mặc cổ trang và gọi khách là "các hạ, sư huynh, sư tỷ, muội muội,...". Họ trò chuyện với khách theo phong cách cũng rất... kiếm hiệp.
 
Anh Phan Minh Thông (SN 1988, chủ quán) hào hứng chia sẻ: “Tôi và hai người bạn chơi chung rất mê phim cổ trang, ngay cả khi ăn uống, chơi game cũng phải là game liên quan đến kiếm hiệp. Và tôi tin rằng những người từng xem phim cổ trang cũng sẽ như chúng tôi, cũng muốn một lần hóa thân vào nhân vật. Từ ý tưởng đó, tôi mở quán ăn này, để mọi người có một không gian quay về thời thơ trẻ, cũng như một lần hóa thân thành anh hùng, rất may mắn là quán được nhiều người ủng hộ”.
 
Ban đầu gia đình anh phản đối khi anh đang có việc làm ổn định lại bỏ ngang để đi làm "cái quán không giống ai" nhưng nhờ vào những thành công hiện tại, gia đình anh Thông đã dần chấp nhận để anh kinh doanh.
 


 
 
Những vò "nữ nhi hồng" hảo hạng và "bí kíp" đã thất truyền giờ được lưu giữ tại đây.
 
Từ thiết kế đến vật dụng, phong cách nhân viên phục vụ đều như trong phim kiếm hiệp. “Bí kíp” (thực đơn) của quán đã có khoảng 100 món với nhiều tên gọi theo kiểu kiếm khách như: nước mắt Cô Long (bò tái mù tạc), Tiểu long nữ (bạch tuộc nướng muối ớt), Nam Hải Nhạc Thần (bò bóp thấu),… và số tiền thanh toán được tính bằng quan (mỗi quan tương ứng với 1.000 đồng), làm thực khách có cảm giác như bước vào thời đại xưng hùng, xưng bá ngày xưa. 
 

Anh Thông rất vui vì ý tưởng độc đáo của mình được nhiều người thích thú. 
 
Đặc biệt dù tên gọi là "tửu lầu" nhưng quán không bán các loại rượu, mà chỉ phục vụ bia với nhiều cái tên như: Nữ nhi hồng (Sài Gòn đỏ), Trúc Diệp Thanh (Sài Gòn xanh), Phục hổ Tửu Bạch (Tiger Bạc). Thực khách có thể uống bia trong vò hay rót ra chén thay cho chai, lon, ly, nếu uống trong vò sẽ được mang ra cả vò ướp lạnh uống rất "đã".
 
 
Điều thú vị pha lẫn ngạc nhiên là khi vừa đến trước quán, thực khách sẽ được mời chào bằng câu: “Khách quan dừng bước, mời khách quan vào trong” từ nhân viên giữ xe. Tiếp theo đó là cách nói chuyện giữa nhân viên phục vụ và khách đều theo phong cách phim cổ trang như: “Tiểu nhị”, “Khách quan cần gì ạ?”, “Mang cho ta 2 cái màn thầu (bánh bao) và 1 vò nữ nhi hồng hảo hạng để ta cũng các huynh đệ đàm đạo”. 
 

Anh Bùi Đức Minh rất thích thú khi làm việc tại đây.
 

Những món ăn tại đây được tính bằng đơn vị quan,1 quan có giá trị là 1.000 đồng. 
 
Theo anh Bùi Đức Minh (nhân viên phục vụ) cho biết: “Ban đầu tôi rất ngại ngần khi mặc trang phục cổ trang giữa Sài Gòn. Rồi phải nói chuyện với khách theo kiểu kiếm hiệp rất khó khăn, thế nhưng làm riết rồi quen lại thấy yêu thích làm việc tại quán. Bây giờ nhiều khi nói chuyện với bạn bè, tôi cũng hay gọi là muội à, huynh à, làm mọi người không khỏi bật cười. Hết giờ làm, khách quen của quán nhận ra tôi liền chào rằng "các hạ đi đâu đấy?" rất thú vị”.
 
Đến "tửu lầu" mọi người luôn tâm niệm "tứ hải giai huynh đệ" nên ông Lý Trọng Nghĩa (một thực khách ở quán) trong lúc đợi bạn nhưng vẫn được bàn bên cạnh mời chung vui, ông bật cười: "Ngồi ở quán nghe mọi người xưng hô, cách trưng bày, và cả những món có tên khá kiếm hiệp, tôi như bước vào nơi hội tụ của các anh hùng võ lâm vậy".
 
Anh Thông nói vui rằng tuy đây là tiểu quán, nhưng thực khách sẽ khá hài lòng về hương vị của món ăn vì chúng được chế biến từ “sư phụ có nội công thâm hậu với 13 năm công lực” (đầu bếp có 13 năm kinh nghiệm) cùng các nguyên liệu hái từ đỉnh Hoa Sơn (mang ra từ quán), được cắt gọt tỉa bởi Độc Cô Cửu Kiếm, trải qua lửa bằng nội công tâm pháp Cửu Dương Thần Công trong 3 lần 5 là 15 phút.
 

Nhờ vào ý tưởng độc đáo mà khách đến ủng hộ quán rất đông.
 
Đặc biệt khi đã yên tọa tại quán, nếu nói chuyện ăn ý với nhau, mọi người sẵn sàng ráp bàn vào ngồi chung, ôn lại chuyện xưa, cái thời ngày nào trên đài truyền hình TVB cũng có ít nhất 1 phim kiếm hiệp, khi xem xong ai cũng đều muốn hóa thân thành kiếm khách, choàng khăn, đánh kiếm gỗ khắp nhà. 
 
Anh Nghĩa (khách quen của quán) chia sẻ: “Tuy bây giờ đã lớn nhưng “máu” kiếm khách trong tôi còn tràn đầy, tôi thường rủ những người bạn mê phim ra đây để “đàm đạo” về các anh hùng, cũng tại đây tôi đã trao đổi được bộ truyện của Kim Dung mà tôi yêu thích. Những người đến với quán hầu hết đều mê truyện nên “hào khí chính nghĩa” rất lớn, họ cũng rất hòa đồng, vì thế tôi đã kết nghĩa được khá nhiều anh em. Đây là một “tửu lầu” rất thú vị”.
 
 Theo Phạm An / Trí Thức Trẻ





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật