đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Cắc cớ hỏi chuyện từ thiện...

Đăng ngày 18/06/2021

Những lời răn về việc làm từ thiện xuất hiện ở hầu khắp các tôn giáo, các nền văn hóa. Nhưng thực tế diễn ra đang ngày càng khác...

"Tay phải làm từ thiện, tay trái không biết", hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo "nhiều hơn ai hết", làm từ thiện đừng chờ mong được ngợi khen, 'vì người đó đã nhận ban thưởng rồi", "làm từ thiện thì đừng gượng ép"...., những lời răn, những ngôi sao chỉ đường cho cách con người bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau xuất hiện từ cổ xưa và ở mọi nền văn hóa.

 

Và sau hàng ngàn năm, những ánh xạ của tinh thần này vẫn thể hiện ở đâu đó, đặc biệt rõ nét ở những cộng đồng vẫn giữ nếp sinh hoạt theo truyền thống, biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong một seri phim tài liệu được phát đi phát lại trên Đài Truyền hình Việt Nam, vị vua của một bộ lạc ở châu Phi đã giải thích cho những người tìm đến về vai trò trong việc phân phối đồ từ thiện của mình.

 

Vị vua mặc trang phục truyền thống giản dị, ngồi ở cửa rừng, tay ông cầm một chiếc chổi tre được ban phép để hòa giải mọi tranh chấp, trừng phạt những người mắc lỗi bằng cách chạm cây chổi vào họ. Đồng thời, ông cũng nhận những món quà từ những người thiện tâm, gửi đến những người khó khăn hơn, chủ yếu là thực phẩm. 

 

Vào lúc trời tối, những người cần tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ tới nhận những món quà kể trên, để không ai biết về giai đoạn đáng quên trong cuộc đời của họ. Đương nhiên, người cho cũng không biết ai là người nhận những món đồ mình gửi.

 

Cắc cớ hỏi chuyện từ thiện... - Chuyên trang Đất Việt - Báo Tri thức & Cuộc  sống
Nhờ các dự án từ thiện, nhiều vùng ở châu Phi đã có nước sạch. Ảnh minh họa


Lý trí thực dụng có thể dễ dàng bài bác hành xử thuần khiết, trong sáng như vậy. Chẳng hạn, sẽ ra sao khi thứ được mang tới tặng không phải là thứ người gặp khó khăn đang cần? Hay sẽ có bao nhiêu người lặng lẽ làm người tốt và nếu sự giúp đỡ từ trái tim đó không đủ? Hoặc nữa, cách làm từ thiện thầm lặng này cùng lắm chỉ phù hợp với một cộng đồng nhỏ...

 

Đi xa hơn, những dẫn chứng về việc làm từ thiện trong xã hội hiện đại, những quy định, chính sách khuyến khích người giàu chia sẻ bớt thu nhập và tài sản dường như đang chứng minh sự hữu dụng.

 

Ở nhiều quốc gia phát triển, doanh nghiệp 'ăn nên làm ra' lựa chọn làm từ thiện thay vì phải đóng thuế phần lãi đó. Họ dùng khoản tiền này để tạo lập những quỹ từ thiện hay góp mặt vào những quỹ từ thiện có uy tín và tầm ảnh hưởng toàn thế giới.

 

Không thể phủ nhận, nhiều trường học đã được xây dựng, nhiều nơi xa xôi đã được tiếp cận với nguồn nước sạch, nhiều đứa trẻ được hỗ trợ điều chỉnh những khiếm khuyết hình thể, chữa khỏi những căn bệnh chết người... Dẫu vậy, có nên hồn nhiên nghĩ rằng, những cô bé, cậu bé, những con người yếu thế ở các quốc gia kém phát triển được tiếp cận các nguồn từ thiện như được tặng những món quà may mắn? Và có nên hay không, thay vì nhận lại sự cảm kích tự nhiên, ai đó lại đòi hỏi lòng biết ơn nơi họ?

 

Đã thế, sự chuyên nghiệp trong hoạt động từ thiện cũng đồng nghĩa với việc phổ biến hình ảnh của việc từ thiện với cộng đồng. Đành rằng, khi những nhà tài trợ nhìn thấy nụ cười của những đứa trẻ, họ sẽ thấy số tiền mình bỏ ra là vô cùng hữu ích. Nói theo chuẩn mực hiện tại của thế giới phương Tây, đó sẽ là những hình ảnh truyền cảm hứng.

 

Thế nhưng, không nhiều người được biết, liệu những người đang được trợ giúp có quyền từ chối việc sử dụng hình ảnh của họ theo cách như vậy? Sẽ ra sao khi những hình ảnh ấy sẽ khiến họ khó hòa nhập hơn dù đã vượt qua được những tháng ngày trắc trở nhất trong cuộc đời? Đến người Việt cũng đã đặt ra định đề: "Của cho không bằng cách cho". Những cách cho ấy liệu có khiến người nhận cảm thấy cả niềm an ủi?

 

Cho dù những câu hỏi này được đặt ra, sẽ vẫn luẩn quẩn trong lựa chọn: hoặc là có nhiều nguồn lực hơn để giúp đỡ nhiều người hơn, hoặc là giới hạn chỉ những con người và số phận tình cờ được biết đến. Mục đích vẫn đủ sức mạnh để biện minh cho phương tiện.

 

Dù vậy, vẫn hữu lý khi chất vấn rằng, liệu việc làm từ thiện có hoàn toàn xuất phát từ cái tâm trong sáng? Lựa chọn làm từ thiện thay vì đóng thuế, mối lợi mà doanh nghiệp thu  được không chỉ là hình ảnh, thương hiệu, một dạng nôm na có thể gọi là 'truyền thông từ thiện'. Sức mạnh mềm từ hoạt động từ thiện hoàn toàn có thể là điểm cộng cho các doanh nghiệp khi lên tiếng về các vấn đề liên quan tới quyền lợi doanh nghiệp, đặc biệt khi xâm nhập vào thị trường các quốc gia kém phát triển hơn.


Thêm nữa, nếu xét từ căn nguyên, chúng ta buộc phải nhìn nhận vào một thực tế khác. Đó là sự khó khăn trong tiếp cận công việc và thu nhập ở rất nhiều nước nghèo trên thế giới. Đó là khoảng cách ngày càng xa hơn giữa đại đa số người nghèo và thiểu số người giàu.

 

Báo cáo của Oxfarm được công bố tháng 1/2020 cho thấy, 2.153 tỷ phú trên thế giới sở hữu nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người, tương đương 60% dân số thế giới. Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 12 nghìn tỷ USD giai đoạn 2020 - 2021, trong đó các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Điều đáng nói, trong bối cảnh ảm đạm chung của kinh tế toàn cầu, xếp hạng tỷ phú thế giới thường niên mà tạp chí Forbes công bố ngày 6/4/2021 ghi nhận số tỷ phú USD kỷ lục là 2.755 người. Có trớ trêu không, người giàu ngày càng giàu hơn, và họ hào phóng san sẻ tài sản cho việc từ thiện?

 

Từ góc nhìn này, câu chuyện 'cần câu, con cá' có lẽ cần được hiểu ở một phạm vi rộng lớn hơn. Đó là nỗ lực phân phối công bằng hơn các nguồn của cải được khai thác và tạo ra trên toàn cầu, tạo thêm cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập cho các nhóm yếu thế ở các nước kém hoặc đang phát triển. Đó phải là thiện chí và hành động để ngày càng ít đi những người rơi vào tình cảnh bần cùng, buộc phải trông chờ vào lòng từ thiện của người khác.

 

Đương nhiên, sẽ rất lâu, thậm chí, khó có thể mơ đến một viễn cảnh như thế. Mà điều đó dẫu có tồn tại thì cũng vẫn sẽ tồn tại việc từ thiện, để giúp đỡ, chia sẻ với người khác.

 

Vậy thì ít ra, khi làm từ thiện, nếu không bằng tình yêu thì cũng bằng sự cảm thông với nỗi nhọc nhằn của đồng loại. Hãy cố gắng giảm thiểu việc từ thiện 'gượng ép', theo trào lưu, danh tiếng... Hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của những người cần nhận được sự giúp đỡ để tồn tại, để gượng nhẹ với họ, để không vô tình hay cố ý chạm tới lòng tự trọng, thứ phẩm giá khiến họ tin rằng, trong con mắt của một người nào đó, họ bình đẳng với bất cứ ai trong xã hội.

 

Tất cả những điều này đều đến từ nhận thức và hành động của từng cá nhân. Khi cho đi, hãy cho bằng một trái tim thiện lương và hai bàn tay sạch sẽ...

 

(Datviet)






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật