đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

'Con chưa về thì nhà chưa có Tết...'

Đăng ngày 02/02/2016

Trong lúc người cha miệt mài tìm con khắp từ Nam ra Bắc thì tại căn nhà nhỏ ở TP Đà Lạt, người mẹ vẫn tuyệt vọng ngóng tin con về. "Ông Huynh mất con" bỗng trở thành một cụm từ cay đắng mà người dân sử dụng để chỉ đường cho khách đến thăm vợ chồng anh.
Trong lúc người cha miệt mài tìm con khắp từ Nam ra Bắc thì tại căn nhà nhỏ ở TP Đà Lạt, người mẹ vẫn tuyệt vọng ngóng tin con về. "Ông Huynh mất con" bỗng trở thành một cụm từ cay đắng mà người dân sử dụng để chỉ đường cho khách đến thăm vợ chồng anh.
 
Từ Trung tâm Đà Lạt đi về xã Tà Nung gần 20km, đến thôn 2, khi dừng xe hỏi đường vào nhà anh Lương Thế Huynh, người dân đều hướng dẫn chúng tôi nhiệt tình. Thỉnh thoảng có người hỏi lại: "Nhà ông Huynh mất con phải không?", rồi trỏ tay về hướng nhà của vợ chồng anh.
 
"Ông Huynh mất con" bỗng trở thành một cụm từ cay đắng mà người dân sử dụng để chỉ đường cho khách đến thăm vợ chồng anh. Trước đó, câu chuyện cậu bé 3 tuổi mất tích bí ẩn trong vườn cafe vào tháng 6 năm ngoái đã để lại bao bàng hoàng cho người dân ở thôn này. Cậu nhóc Lương Thế Vương hồn nhiên, hay chơi đùa cùng chị gái trước sân, thỉnh thoảng tót qua nhà mấy ông bà hàng xóm bi bô tập nói, vậy mà chỉ trong một phút chốc, không ai còn nghe thấy tiếng cười của bé Vương nữa.
 
Chiếc xe mà Vương thường hay chơi,
 
Giờ vẫn được để trước sân nhà, buồn thiu, trơ trọi...
 

'Con chưa về thì nhà chưa có Tết...'
 
Cả ngày hôm nay, chị tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi hỏi về thông tin đã tìm được bé Vương. Chị từ tốn trả lời từng người rằng đó chỉ là thông tin sai lệch.
 
Trước sân nhà, chiếc xe đạp mà Vương hay chạy vẫn để đó, bé Lương Hải Anh, 7 tuổi, con gái đầu của vợ chồng anh thì vẫn hồn nhiên chạy giỡn khắp nhà trong lúc chị Yến ngồi xếp bằng tại một góc phòng, mắt vẫn chăm chú nhìn vào gương mặt tươi sáng của Vương trên màn hình điện thoại. Nhiều lần nước mắt chực trào, nhưng chị cố nén lại.
 
Những ngày cuối tuần không đi làm, chị Yến ngồi ở một góc nhà nhìn ngắm con qua màn hình điện thoại.
 
Hành trình miệt mài tìm con của anh Huynh được hàng triệu người dân tiếp sức và dõi theo từng ngày, từng phút từng giây, nhưng chắc hẳn không ai có thể cảm nhận đủ đầy nhất nỗi đau mà người cha, người mẹ này đang phải gánh chịu.
 
Khi chúng tôi đến nhà, anh Huynh đã lên đường đi Đắk Lắk từ hôm trước khi nghe tin có một gia đình nhận nuôi đứa bé khá giống Vương. Tôi không hiểu anh lấy đâu ra sức mạnh và nghị lực bền bỉ đến thế cho hành trình của mình, cứ như thể anh có khả năng sẽ lục tung mọi ngõ ngách, mọi dấu vết dù mỏng manh đến đâu, chỉ để tìm được con.
 
Ngày đầu tiên anh Huynh lên đường tìm con, chị Yến tháo nhẫn cưới mang đi bán, ròng rã 8 tháng qua, con mất tích, chồng lang thang hết nơi này đến nơi khác, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, nghỉ ngơi rồi lại đi tiếp, ở nhà chỉ còn lại chị Yến cùng đứa con gái nhỏ nương tựa nhau. Sáng chị đưa bé đi học rồi đến ủy ban xã làm việc. Mấy cây hoa trong vườn bị héo gần hết, đồ chơi của các con để ngổn ngang.
 
Trong khi nhà nhà ở thôn 2 đang hân hoan tân trang nhà cửa chờ đón năm mới thì chị Yến cứ để mặc mọi thứ. "Con chưa về thì nhà chưa có Tết...", chị thở dài.
 
Trong nhà không có bàn ghế gì, khách đến, chị trải chiếu mời nước rồi lại lặng lẽ cầm điện thoại để trả lời những cuộc gọi liên tục hiện đến.
 
Những món đồ chơi mà con từng chơi...
 
Con gái đầu của chị Yến, bé Hải Anh chỉ mới 7 tuổi và vẫn ngây thơ nói: "Em con đi đâu chơi từ lâu rồi mà chưa về".
 
Chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất xảy đến
 
Mỗi ngày đi làm rồi lại về nhà, đối diện với ngôi nhà kỷ niệm toàn ký ức của con, không ít lần chị Yến gục mặt khóc vì nhớ, vì thương và vì xót con không biết đang lưu lạc nơi nào. "Ngày trước đi làm về là thằng nhỏ chạy ra gọi mẹ rồi cười tíu tít. Giờ vườn không, nhà trống, xe con còn đó, đồ chơi con để đó, mà sao con không về, con ơi...!", chị Yến bần thần, ôm mặt nghẹn ngào.
 
Từ ngày Vương mất tích, ngôi nhà chẳng còn tiếng cười, hai vợ chồng không tha thiết làm gì nữa, chỉ chầu chực bên điện thoại mong ai báo tin tốt lành đến với họ. Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị Yến liên tục bị ngắt quãng vì chị phải tiếp nhiều cuộc gọi đến liên tục. Có người thông báo tìm được ai giống bé Vương lắm, có người gọi vì nghe tin vợ chồng chị đã đi đón bé về. Chị vẫn từ tốn trả lời rằng những thông tin chia sẻ trên mạng đều không chính xác và ảnh hưởng đến tinh thần của hai vợ chồng rất nhiều.
 
Chị Yến kể: "Hôm trước còn có ai chia sẻ lên facebook việc chồng tôi được nhà hảo tâm tặng SH trăm triệu, thực chất chúng tôi có nhận được chiếc xe máy hiệu Sirius là quà tặng của một nhóm từ thiện. Nhưng anh Huynh không chạy mà để lại cho tôi. Anh nói bây giờ của cải gì cũng để lại cho vợ hết, anh chạy xe cũ nhưng máy mạnh, xe "trâu", đi đường trường tốt hơn. Nghĩ mà thương...".
 
Chiếc xe máy mới được nhóm từ thiện tặng cho vợ chồng anh Huynh chị Yến.
 
8 tháng không có bất cứ một thông tin gì của Vương, chị Yến bất giác hỏi tôi, rằng có bao nhiêu trường hợp như anh chị không, có nhiều người mất con rồi không tìm lại được luôn không. Tất nhiên là có, chúng tôi không muốn dập tắt hy vọng của chị, nhưng cũng mong chị chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất xảy đến.
 
Hỏi chị có sợ không, chị dụi mắt, cười nghẹn: "Nó có chết, chúng tôi cũng phải tìm đưa xác về chứ...". Nói đến đây, mắt chị đỏ hoe.
 
Những tờ rơi trước kia chị đã in ra để dán khắp các trạm xăng, bến xe, bệnh viện ở Đà Lạt.
 
Điều ám ảnh tôi nhất là khoảnh khắc chị Yến tay vẫn nắm chiếc điện thoại có hình của bé Vương, tựa đầu vào tường, chị nhìn quyển lịch rồi nói: "Một tuần nữa là Tết rồi...".
 
Hoa mai anh đào Đà Lạt đã chớm nở, làng hoa Vạn Thành rục rịch chuẩn bị cho mùa hoa Tết năm nay, người người mua sắm đồ mới, còn ở căn nhà của "ông Huynh mất con", những cành khô rụng lá, những chậu hoa héo tàn, và những niềm hy vọng giờ chỉ còn le lói...

Quỳnh Trân / Trí Thức Trẻ





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật