đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Những người trẻ đi làm vài năm vẫn xin tiền cha mẹ

Đăng ngày 13/06/2022

Mức lương thấp, nhu cầu chi tiêu cao và không có kế hoạch tài chính, nhiều người trẻ rơi vào vòng lặp 'kiếm ít tiêu nhiều'.

Mức lương thấp, nhu cầu chi tiêu cao và không có kế hoạch tài chính, nhiều người trẻ rơi vào vòng lặp 'kiếm ít tiêu nhiều'.

 


Sau khi tốt nghiệp, Phương Thanh (23 tuổi, quận 12, TP.HCM) làm quản trị website cho một công ty với mức lương 10 triệu đồng. Dù sống cùng cha mẹ, lương không cần lo cuộc sống, nhưng hơn 2 năm đi làm, cô không có tiền tích lũy.

 

Cô nàng 23 tuổi thừa nhận không biết cách tiết kiệm. Là con một, cô đã quen với việc mọi chi tiêu trong gia đình đều có phụ huynh lo liệu.

 

Lương hàng tháng của cô chủ yếu đổ vào quần áo, trà sữa, mỹ phẩm, du lịch, có những lần chi tiền quá tay, chưa hết tháng cô đã hết tiền.

 

“Mới đi làm nên mình cũng muốn dùng số tiền kiếm được để tận hưởng cuộc sống, sắm sửa nhiều hơn cho bản thân”, cô nói với Zing.

 

Vì không có tích lũy, những việc cần khoản tiền lớn như đổi xe máy, đổi điện thoại hay mua laptop mới, cô đều phải cần ba mẹ hỗ trợ.

 

“Mẹ vẫn nhắc nhở mình nên học cách kiểm soát chi tiêu, tự lập với mức thu nhập riêng, không thể cứ dựa vào người nhà mãi được. Đến bây giờ, mỗi lần đi du lịch cùng bạn bè còn phải xin thêm tiền từ gia đình, mình cũng thấy ngại. Nhưng thú thực, mình chưa thể thay đổi thói quen lập tức được”, Phương Thanh nói.

 

Không chỉ riêng Phương Thanh, nhiều người trẻ cũng rơi vào cảnh đi làm nhiều năm vẫn không có tiền dư. Mức lương thấp, nhu cầu chi tiêu cao và không có kế hoạch tài chính, cộng thêm bão giá khiến nhiều người trẻ rơi vào vòng lặp "kiếm ít tiêu nhiều".

 

Đi làm 3 năm, không tiền tiết kiệm

 

Theo CNBC, hai năm đại dịch liên tiếp, cộng thêm bão giá toàn cầu đang khiến người trẻ lâm vào khủng hoảng chi tiêu.

 

Trong cuộc khảo sát với 14.808 gen Z trên 46 nước của công ty kiểm toán Deloitte, 46% cho biết tiền lương của họ chỉ đủ sống qua ngày, chi trả sinh hoạt phí, không dành dụm được đồng nào. Chỉ 25% báo cáo rằng họ có thể thoải mái chi tiêu hàng tháng.

 

Bùi Hằng nói rằng thu nhập hiện tại không đủ để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân nên cô không nghĩ đến việc tiết kiệm. Ảnh: NVCC.


Tuy nhiên, theo Gen Z Insight, bất chấp những khó khăn trên, nhu cầu chi tiêu của người trẻ tuổi đang ngày càng lớn. Khảo sát của UNiDAYS cho thấy người trẻ đã mua sắm nhiều hơn kể từ khi đại dịch xảy ra như một cách "trả thù" trước áp lực cuộc sống quá lớn.

 

Bùi Hằng (23 tuổi) đang làm cùng lúc hai công việc. Có thu nhập 15 triệu đồng/tháng nhưng suốt 2 năm nay, gần như tháng nào cô cũng cần bố mẹ hỗ trợ thêm.

 

Cô nàng sinh năm 1999 quê ở Ba Vì, hiện thuê trọ một mình tại Hà Nội. Mỗi tháng, ngoài tiền thuê nhà 2,5 triệu đồng, Hằng chi phần lớn thu nhập của mình cho việc ăn uống, mua sắm, đi cà phê với bạn bè và các sở thích cá nhân khác.

 

Hằng cho biết sẵn sàng chi nhiều tiền để mua nước hoa vì rất yêu thích các mùi hương. Cô còn nuôi mèo nên hàng tháng tốn thêm một khoản lớn để mua hạt, đồ ăn và cát cho mèo.

 

Hằng đang làm chạy quảng cáo và trực fanpage ở hai văn phòng khác nhau. Một công việc làm từ 9h đến 17h30, cô làm ở công ty còn lại từ 18h đến 23h.

 

Công việc quá bận rộn nên cô chỉ ăn uống ở ngoài. Thời gian này, khi giá cả tăng cao, giá đồ ăn và phí ship càng khiến Hằng tốn kém hơn.

 

"Hầu như tháng nào bố mẹ cũng gửi rất nhiều đồ ăn xuống Hà Nội để mình không cần đi chợ. Thỉnh thoảng, cần khoản đột xuất nào đó, mình sẽ xin thêm gia đình", Hằng kể với mức thu nhập hiện tại, cô không nghĩ đến chuyện tiết kiệm.

 

"Công việc rất áp lực và bận rộn, mình còn chẳng có thời gian để yêu đương. Nhiều ngày liền chạy deadline đến 1-2h sáng là chuyện thường. Vì làm hết sức nên mình cũng chơi hết mình, muốn dành số tiền kiếm được để thỏa mãn những sở thích của bản thân", Hằng bày tỏ.

 

Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, Thảo Nguyên (sinh năm 1997) phải chật vật để cân đối chi tiêu hàng tháng. Sau khi ra trường, cô xin vào làm cho một công ty nhỏ tại Hà Nội và chưa từng đổi chỗ.

 

Sau 3 năm, lương của cô chỉ tăng thêm 1 triệu đồng.

 


Thu nhập không đủ mức sống khiến cô gái 25 tuổi căng thẳng. Ảnh: NVCC.


“Với mức lương ấy, giờ mình phải tính toán chi ly từng chút. Riêng tiền nhà trọ và điện nước hàng tháng đã là 3 triệu", Thảo Nguyên kể.

 

Cứ hai tuần một lần, mẹ của Thảo Nguyên lại đóng một thùng thịt cá, gà, rau củ, đồ khô từ quê gửi lên Hà Nội cho con. Nhờ số thực phẩm đó, cô bớt đi một khoản cần phải tiêu.

 

Thảo Nguyên đã muốn đổi xe máy mới từ năm ngoái. Nhưng sau một năm lên kế hoạch, số tiền cô tiết kiệm được chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng.

 

“Bố mẹ bảo mình cứ mua để đi làm cho thuận tiện. Cần bao nhiêu, bố mẹ cho thêm”, cô nói.

 

Vấn đề tiền bạc ngày càng khiến Thảo Nguyên áp lực. Nhìn bạn bè xung quanh đã thay đổi công việc và có mức thu nhập cao gấp nhiều lần trước đây, cô càng thấy bản thân kém cỏi.

 

“Làm ở một chỗ suốt 3 năm càng khiến mình ù lì đi. Công việc không vất vả nhưng không nâng cao được kỹ năng gì. Nhiều lần mình nói phải nghỉ việc, lại cứ sợ bỏ chỗ này sẽ không tìm được chỗ mới và ở lại. Cuối cùng, đi làm vài năm, bố mẹ vẫn phải chu cấp”, Thảo Nguyên giải thích.

 

Áy náy khi phải nhờ gia đình chu cấp

 

Gần 2 năm nay, Huy Bảo (23 tuổi, quê Khánh Hòa) làm công việc sản xuất nội dung với mức lương 9,5 triệu đồng. Để tăng thu nhập, Bảo còn nhận kèm tiếng Anh cho học sinh tiểu học vào buổi tối.

 

“Thu nhập 12 triệu thật sự không đủ để mình chi tiêu ở thành phố. Trả hết sinh hoạt phí, cả điện nước, ăn uống, mình khó dư được đồng nào, dù đi làm khá vất vả”, Bảo cho biết.

 

Bảo còn gặp áp lực vì liên tục đi ăn nhậu cùng đồng nghiệp.

 


Trước áp lực chi tiêu, Huy Bảo được ba mẹ gửi thêm tiền hàng tháng. Ảnh: NVCC.


“Mình thuộc nhóm nhỏ tuổi nhất trong công ty, lại biết uống bia nên đồng nghiệp thích ‘ép’ đi nhậu. Lâu lâu đi thì vui, đằng này các anh lại tổ chức đều đặn mỗi tuần. Chầu nào cũng 300.000-400.000 đồng, mình không dám bày tỏ sự khó chịu nên toàn bấm bụng theo ý mọi người”, Bảo nói.

 

Từ đầu năm 2022, gia đình Huy Bảo bắt đầu gửi thêm tiền vì xót con, sợ anh phải nhịn ăn nhịn tiêu trong bão giá.

 

“Ba mẹ lớn tuổi mà vẫn còn buôn bán hải sản ở quê để có đồng ra đồng vào. Mình áy náy vì là con lớn, đi làm trên thành phố nhưng chưa phụ giúp được gì, còn khiến gia đình lo lắng", Bảo chia sẻ.

 

Huy bảo cho biết 2 tháng nữa anh sẽ nhận công việc mới với mức lương khoảng 14 triệu đồng. "Hy vọng mọi thứ sẽ ổn thỏa để mình đỡ đau đầu với bài toán tiền bạc”, anh nói thêm.

 

Tương tự Huy Bảo, Ngọc Thúy (25 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng chật vật để cân đối chi tiêu khi sống ở TP.HCM.

 

Thúy đang làm việc tại bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty nội thất. Có mức lương 14 triệu đồng/tháng, song mức chi tiêu cao ở thành phố khiến cô rơi vào cảnh thu không đủ chi.

 

Lúc mới đi làm, với mức lương khá, Thúy vẫn thoải mái đi cà phê, xem phim với bạn bè.

 

Nhưng từ khi dịch bệnh, cô bắt đầu căng thẳng với bài toán kinh tế. Cô nhận ra số tiền kiếm được không đủ để vừa thỏa mãn sở thích cá nhân, vừa trả phí ăn ở, đi lại.

 

“Trước đây, mình trọ ở quận 5 cho gần công ty, tốn khoảng 6 triệu đồng/tháng tính luôn điện, nước. 2 triệu đồng cho các món chăm sóc tóc, dưỡng da, son phấn. 6 triệu đồng còn lại chia đều cho ăn uống, xăng xe và gửi về phụ giúp ba mẹ. Tính lại chẳng còn đồng nào để phòng khi khẩn cấp”, Ngọc Thúy nói.

 

Để giảm mức tiêu, Thúy đã quyết định thuê nhà trọ với bạn ở quận Bình Tân, dù cách chỗ làm gần 30 phút chạy xe.

 

Ngoài ra, cô cũng chuyển sang dùng các dòng mỹ phẩm bình dân, hạn chế tụ tập ăn uống cùng đồng nghiệp, tập nấu cơm trưa mang đến chỗ làm, không đặt trà sữa trong giờ giải lao, tiền chợ cũng siết chặt hơn. Thế nhưng, số tiền cô tiết kiệm được không đáng là bao.

 

Với chi phí ngày càng đắt đỏ, Ngọc Thúy dự định về quê làm việc nếu không tìm được cơ hội tốt hơn ở TP.HCM trước tháng 12 năm nay.

 

“Ba mẹ khuyên cứ giữ tiền phòng thân, còn gửi thực phẩm ‘cứu trợ’ mỗi 3 tháng. Mình áy náy lắm nhưng chưa có cách chi tiêu hợp lý hơn”, cô nói thêm.

 


Mức chi tiêu đắt đỏ tại thành phố khiến nhiều người trẻ khó cân đối tiền bạc. Ảnh: Phương Lâm.


Dù chưa tới mức trở thành "Kangaroo tribe" hay "thế hệ chuột túi" (cụm từ dùng để chỉ những đứa con sống phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tài chính lẫn tình cảm ngay cả khi đã đủ lớn để tự lập), song nhiều người trẻ vẫn chưa thể tự chủ hoàn toàn.

 

Trên khắp thế giới, ảnh hưởng của đại dịch, cộng thêm bão giá đang tạo áp lực tài chính lớn, khiến ngày càng nhiều người trẻ khắp thế giới phải dựa vào sự hỗ trợ từ cha mẹ, người thân.

 

Tại Hàn Quốc, nhiều người đến 30 tuổi vẫn phụ thuộc vào cha mẹ, không nghĩ đến việc hẹn hò hay kết hôn. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, hơn một nửa số người độc thân ở độ tuổi này còn sống chung với phụ huynh. Báo cáo cũng cho thấy hơn 60% người Hàn chưa kết hôn trong độ tuổi 20-44 đang phụ thuộc vào người thân.

 

"Thế hệ Boomerang" cũng là cụm từ phổ biến để chỉ những người đã đến tuổi trưởng thành nhưng phải quay lại sống dưới sự bảo bọc, hỗ trợ tài chính từ cha mẹ. Cụm từ này được biết tới nhiều nhất ở Mỹ.

 

Theo số liệu báo cáo của công ty cơ sở dữ liệu bất động sản Zillow, khủng hoảng kinh tế buộc khoảng 26,6 triệu người Mỹ ở tuổi 18-29 trở về ở với phụ huynh vì không đủ tiền mua nhà riêng. Tính đến tháng 7/2020, có 52% thanh niên Mỹ từ 18-29 tuổi, tương đương 26,6 triệu người, đang sống với cha mẹ.

 

Theo Zing






Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật