đèn gỗ

đèn gỗ trang trí

Đổi Sách giáo khoa sau 2015: Ngổn ngang chuyện học hành của trẻ

Đăng ngày 03/06/2014

Chương trình học quá tải, trẻ học lớp 4 phải tư duy kiến thức như... các nhà nghiên cứu, học sinh phải “gồng mình” lên để học cho kịp chương trình bất kể ngày nghỉ, ngày ...
Chương trình học quá tải, trẻ học lớp 4 phải tư duy kiến thức như... các nhà nghiên cứu, học sinh phải “gồng mình” lên để học cho kịp chương trình bất kể ngày nghỉ, ngày lễ... Đó là đề tài mà nhiều phụ huynh than phiền trong các buổi thảo luận về vấn đề học hành của con cái hay trên các diễn đàn mạng nhiều ngày qua.
 
Bữa cơm chiều của gia đình ông Lương Văn Viên (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn tất bật như mọi ngày sau khi thông tin Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD – ĐT) Nguyễn Vinh Hiển trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Những đứa trẻ vẫn hối hả, vừa ăn vừa “chạy” cho kịp bài vở. Người lớn thì luôn miệng nhắc nhở “ăn mau còn vô học bài, kẻo không kịp mai trả bài con”.
Con học, mẹ xót xa
Ông Viên cho biết: “Nhà có 3 đứa con, 2 đứa vào đại học, đứa nhỏ nhất đang học lớp 8. Không biết sách vở học hành ra sao mà thấy đứa Út học mãi không xong, coi tivi cũng phải cầm chừng”. Là nông dân nên ông Viên không tường tận tất cả chương trình học của con, nhưng ông cũng thường quan tâm các vấn đề giáo dục báo đài nhắc tới. Ông háo hức cho biết, nếu việc đổi mới sách mà giảm nhẹ lượng kiến thức, đưa những vấn đề cơ bản gần gũi hiện tại vào thì ông ủng hộ vì theo ông “Cứ học cho nhiều mà sau này ứng dụng không bao nhiêu cũng thành thừa, ảnh hưởng đến sức khỏe của mấy đứa nhỏ”.
Có con học lớp 7 tại trường THCS Phú Mỹ gần nhà, chị Trần Ngọc Diệp (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) không khỏi lo lắng cho việc học của con. Bé Bảo Châu, con chị Diệp phải học ở trường cả ngày, tối về thì đi học thêm, về tới nhà cơm nước xong là lao vào chuẩn bị bài vở cho ngày mai. “Tôi là mẹ, thấy con cứ cắm đầu vào học, thời gian đi chơi cũng không có, chủ nhật cũng phải học vì giáo viên cho về nhà bao nhiêu là bài tập. Nhiều khi tôi chỉ mong ngày lễ Tết thật nhiều để các cháu được nghỉ ngơi”.
Nhắc đến việc đổi sách giáo khoa, chị Diệp ngán ngẩm: “Mỗi lần cải cách là một lần sách chồng sách, kiến thức đè kiến thức, học một buổi không đủ, phải tăng tiết, tăng buổi học. Nếu lần này cũng vậy thì thôi đừng đổi. Nhìn thấy con học bù đầu bù cổ, tôi xót lắm!”.
Em Nguyễn Hữu Trường, học sinh lớp 10 Trường THPT Quốc Văn Sài Gòn chia sẻ: “Sách xã hội em đang học quá dày, nội dung lại nhiều, mỗi lần nhìn thấy sách là em ngán. Điển hình chỉ môn Sử thôi mà mỗi tối em phải dành gần hai tiếng đồng hồ để học. Ngày tháng, chiến thuật chiến đấu của các trận đánh, em học mãi mà chẳng thuộc. Khi học tạm ổn thì mệt quá không xem được mấy môn khác nữa”. Hiện tại, Hữu Trường đang học nội trú tại trường, mỗi tuần được ra ngoài một lần, còn lại toàn bộ thời gian Trường dành cho việc học tại trường. 
 
Học nhiều quá hóa… tâm thần
Sau một học kỳ vùi đầu vào sách vở, bé Bảo Châu con chị Ngọc Diệp thậm chí có dấu hiệu của rối loạn tâm thần, thường lo lắng, không giao tiếp với ai, cơ thể ốm đi trông thấy... Chị Diệp tâm sự: “Mình cứ lo đi làm, cũng không biết con phải căng não ra để học như thế nào. Đến khi thấy con có biểu hiện khác thường, ít nói hẳn, đi học về là ngồi vào bàn chơi máy tính, không thì đọc sách, chỉ khi hỏi đến mới trả lời, kết quả học tập thì tụt xuống hẳn”. Lúc này, chị mới hoảng hốt đưa con gái đến khám bác sĩ, uống thuốc một thời gian nhưng vẫn chẳng khá hơn. Chị hỏi bác sĩ tâm lý thì được biết tình trạng của con là do học tập quá căng thẳng, lại không được vui chơi giải trí. 
Sau một thời gian theo dõi bệnh tình của con, chị Diệp tìm cách cho con đi chơi, thư giãn với bạn bè vào mỗi dịp cuối tuần theo lời khuyên của bác sĩ. Chị còn dành thời gian học bài cùng con mỗi tối, hướng dẫn con học từ từ để con không ôm đồm nhồi nhét kiến thức, nghỉ ngơi đúng lúc và đặc biệt là để con tiếp xúc nhiều người. Sau một thời gian áp dụng, chị Diệp cho biết Bảo Châu đã vui vẻ trở lại, điểm học tập cũng khá hơn trước rất nhiều.
Trước tình trạng học quá tải của trẻ, nhiều bậc phụ huynh cũng cố gắng suy nghĩ tìm cách thức, phương pháp học hiệu quả nhất nhằm giảm áp lực cho trẻ. Lương Ngọc Trâm, con của ông Viên thì được bố hướng dẫn vẽ sơ đồ tư duy ghi nhớ kiến thức để việc học lý thuyết trở nên đơn giản hơn. Mỗi lần học bài, Trâm chuẩn bị giấy bút ghi lại ý chính và bắt đầu vẽ sơ đồ cây. Ý chính nằm ở trung tâm, những ý nhỏ bao xung quanh và phân tầng dần dần đến khi hết. Theo Trâm, cách học này đã giúp em rút ngắn được thời gian học bài vì chỉ cần nắm nội dung chính sẽ tự khơi nguồn cho những ý nhỏ tiếp theo.
Cũng như những bậc phụ huynh khác, ThS. Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP. HCM) cho biết chị có hai con đang học tiểu học, chị cũng là người rõ nhất các con chị đang phải học quá sức, phải chịu nhồi nhét đủ thứ kiến thức như thế nào: “Con tôi phải cố làm hết số bài tập về nhà mà cô giáo cho, vì cháu sợ cô mắng. Có hôm cháu làm đến hơn 10h đêm mà chưa xong, tôi phải ép cháu đi ngủ, cam kết mai đến lớp mẹ sẽ xin cô cho mới chịu. Bản thân giáo viên họ vẫn biết điều đó là không tốt cho trẻ nhưng chịu áp lực từ chuyện thi đua nên họ vẫn muốn học sinh học nhiều để được điểm cao”, ThS. Thúy chia sẻ.
Chị Thúy cho biết, việc học như vậy sẽ khiến trẻ mất hết thời gian chơi, nghỉ ngơi, vận động... ảnh hưởng lớn đến cơ hội phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, tâm hồn trẻ. Trẻ càng bị nhồi nhét càng không thích học, không tiếp thu được bao nhiêu.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, trường Đại học Sư phạm TP. HCM lại có nhận định khác: “Chương trình tiểu học hiện nay của Việt Nam so với các nước châu Âu có phần khá nặng. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh cũng góp phần làm tăng áp lực cho con bằng cách đặt kỳ vọng vào con quá lớn, luôn muốn con mình phải bằng hoặc hơn con người khác. Thấy người khác cho con học thêm, cũng ép con mình học thêm. Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh riêng, có thể không xuất sắc trong lớp nhưng trong đời sống, trẻ vẫn linh hoạt, nhanh nhẹn, tư duy tốt thì nên tìm cách khai thác các thế mạnh đó của trẻ”. Theo cô Huyền, nếu phụ huynh không khéo léo động viên và có hình thức hỗ trợ phù hợp cho trẻ sẽ rất dễ khiến trẻ sợ hãi, chán ghét chuyện học, có khi ghét lây cả thầy cô giáo, hoặc tìm mọi cách né tránh việc học tập tại trường, dẫn đến những hệ lụy xấu hơn.
 
Thay đổi liệu đã phù hợp?
Vì tính chất quan trọng của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, có rất nhiều ý kiến cả đồng tình lẫn phản đối nảy sinh ngay sau khi Dự thảo đề án được trình ra. Nhiều người lo ngại, nếu cứ thay đổi liên tục sách chồng sách, thì liệu có đảm bảo chất lượng dạy và học vì ngay cả giáo viên cũng cần thời gian để thích ứng việc thay đổi giáo án, phương pháp giảng dạy, học sinh phải thay đổi cách nhìn nhận và dung nạp kiến thức. 
Trước những ý kiến đó, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT khẳng định chương trình sách giáo khoa hiện nay còn nhiều nội dung bất cập. Các môn học trong chương trình chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực, chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa nội dung và thời lượng dạy nên việc thay đổi và làm mới là cần thiết. Để có được những bộ sách mới thật sự hay và phù hợp với lứa tuổi học sinh các cấp, phải cần nhiều thời gian, nghiên cứu của cả nhóm biên soạn chương trình và người viết sách.
Ông Hiển cho biết: “Khi xây dựng đề án, bộ đã dự trù kinh phí 34.275 tỉ đồng, bao gồm việc thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ở những trường còn thiếu”. 
Cũng theo ông Hiển, xu thế chung của chương trình giáo dục trong tương lai là giảm bớt các kiến thức hàn lâm, giúp học sinh phát triển những năng lực chuyên biệt; hạn chế số lượng môn học bắt buộc, đồng thời ưu tiên cho việc học tập tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân người học.
 
Thúy Ngọc - Huyền nguyễn
“Sách xã hội quá dày, nội dung lại nhiều, mỗi lần nhìn thấy sách là em ngán chứ chưa nói đến việc học”
 
1. Bộ GD-ĐT xin lùi việc trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015:
Sáng 25-4, trong phiên họp của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết đã có văn bản xin lùi thời gian trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý vì lý do “cần có thêm thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ, chờ Chính phủ thẩm định Dự thảo Đề án trước khi trình Quốc hội” theo góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
2. Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A (Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. HCM; Cố vấn Trung tâm Đào tạo Bản lĩnh sống Sư Tử Trẻ):
Chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc biên soạn chương trình giáo dục tiểu học nói riêng và chương trình giáo dục phổ thông nói chung. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu tâm khi thực hiện mục tiêu giáo dục là phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Chương trình học cần nhiều cơ hội để các em học sinh thực hành, trải nghiệm, không chỉ về tri thức mà còn về thái độ tích cực và kỹ năng sống. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng là yếu tố cốt lõi để tránh tình trạng học vẹt, sao chép có khuôn mẫu ở học sinh, giúp các em thể hiện sự sáng tạo, phát huy ý kiến và quan điểm cá nhân.
Bản thân phụ huynh cũng phải hiểu đúng về quá trình học tập của con mình. Thành tích học tập chỉ nên xem là kết quả để đánh giá năng lực trẻ chứ không phải mục tiêu sống còn, bằng mọi giá phải chạm các “cột mốc” mà tạo ra áp lực cho tất cả các bên. 
Trẻ cần cơ hội để trải nghiệm cuộc sống nhiều màu sắc, những cuộc dạo chơi trong công viên hay việc thăm anh em, họ hàng vào cuối tuần cũng giúp trẻ thư giãn sau giờ học căng thẳng. 
 
Homeschooling - mô hình học tại nhà nở rộ ở Mỹ
Theo một báo cáo của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (The National Center for Education Statistics) thuộc Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, có khoảng 1,77 triệu trẻ em ở Mỹ đang theo học mô hình Homeschooling - cha mẹ tự dạy kiến thức cho con tại nhà, chiếm 3,4% tổng số người đang ở độ tuổi đi học năm 2012. Báo cáo còn cho biết số lượng học sinh không đến trường tăng 17% trong vòng 5 năm qua.
Hình thức học tại nhà không còn xa lạ tại Mỹ. Trước khi Luật phổ cập giáo dục ra đời vào năm 1852 bắt buộc học sinh phải đến trường, hầu hết việc giáo dục trẻ em được thực hiện tại nhà. Khi đạo luật ban hành, học sinh bắt đầu đến các trường công lập và tư thục để học, chỉ còn một số ít gia đình ở nông thôn hoặc theo đạo Amish (tôn giáo đề cao cuộc sống nông thôn và loại bỏ những phát triển của công nghệ hiện đại) không cho con đến trường. Thế nhưng, hình thức này nở rộ trở lại vào thập niên 70, khi nhiều nhà cải cách giáo dục đặt câu hỏi về phương pháp lẫn kết quả học tập tại trường học.
Một trong những lý do khác khiến phụ huynh cho con em học tại nhà là họ không hài lòng với những hướng dẫn của các thầy cô giáo. Phần lớn phụ huynh nhận thấy rằng học tại nhà an toàn và ít tốn kém hơn. Mỗi năm họ chỉ tốn từ 500 – 600 USD chi phí học tập, trong khi con số này sẽ là 10.000 USD nếu con em họ đến trường. 
Đặc biệt, mức điểm khá, giỏi của học sinh tự học tại nhà luôn nằm trong khoảng 65 – 89%, trong khi mức điểm này của trẻ học trên trường chỉ dừng lại ở mức 50%. Sự khác biệt về thành tích học tập và đạo đức của trẻ được giáo dục tại nhà cũng được nhiều trường đại học ở Mỹ, trong đó có Đại học Duke và Stanford, quan tâm.
Thái Quyên (Theo Capitol Hill Daily)





Tin xem nhiều

Tin mới cập nhật